Giới thiệu về in Offset

  Admin

  23/03/2016

  0 nhận xét

In offset là kỹ thuật in tách màu (tram) ra từng màu riêng biệt còn gọi là CMYK sau đó từng màu này được ra mỗi bản kẽm tương ứng, các hình ảnh, text sẽ hiển thị trên mỗi bản kẽm. Khi in các phần tử in trên bản kẽm sẽ chuyển qua trục lô cao su (còn gọi là các tấm offset) và chạy qua mực in trước rồi mới ép từ tấm cao su này lên giấy. kỹ thuật này tránh được việc làm nước bị dính lên giấy theo mực in.  

 

Ưu điểm của kỹ thuật in này là: 

- Chất lượng đẹp – sắc nét và màu sắc trung thực tươi tắn.
- Khả năng ứng dụng in ấn lên nhiều bề mặt, kể cả bề mặt không phẳng (da, giấy thô nhám). 
- Việc chế tạo các bản in dễ dàng hơn. 
- Các bản in có tuổi thọ lâu hơn, màu sắc bền hơn – vì không phải trực tiếp tiếp xúc với bề mặt cần in. 

Nhược điểm: 

- In số lượng thấp chi phí cao (thường thì ít bên nhận số lượng thấp để in offset).
- Bám màu trên bề mặt trơn như: nilong, decan nhựa kém,...
- Khi bản thiết kế được đưa vào in nếu bị sai nội dung muốn sửa thì phải làm lại từ đầu do vậy chi phí sẽ phát sinh.
-
Các bản in kẽm nếu không được bảo quản đúng cách rất dễ bị hư hỏng.

 Máy in Offset 4 màu mới

In offset ngày nay đã trở thành kỹ thuật in phổ biến nhất trong ngành in ấn. Tuy vậy trong các in ấn dành cho mặt hàng cần nhanh hiệu quả, người ta sử dụng cách in nhanh trực tiếp bằng các máy in tiên tiến. Một số người vẫn thích các đường nét chìm nổi để lại trên giấy việc này khá công phu nhưng độ thẩm mỹ lại rất đẹp và bắt mắt. Máy in dùng kỹ thuật offset và thạch bản đầu tiên ra đời ở Anh khoảng năm 1875 và đã được thiết kế để in lên kim loại. Trống offset làm bằng giấy các tông truyền hình ảnh cần in từ bản in thạch bản sang bề mặt kim loại. Khoảng 5 năm sau, giấy các tông được thay bằng cao su. 
Người đầu tiên áp dụng kỹ thuật in offset cho in ấn trên giấy có thể là Ira Washington Rubel năm 1903. Ông đã tình cờ nhận thấy mỗi khi một tờ giấy không được đưa vào máy in thạch bản của ông một cách đúng nhịp (bản in thạch bản in lên trống in được bọc bằng cao su), và tờ giấy cho vào tiếp theo bị dính 2 hình: bản in thạch bản ở mặt trên và bản in do dính từ trống in ở mặt dưới. Rubel cũng nhận thấy hình ảnh in từ trống in cao su nét và sạch hơn vì miếng cao su mềm áp đều lên giấy hơn là bản in bằng đá cứng. Ông đã quyết định in thông qua các tấm bằng cao su.


Một hệ thống máy in Offset hiện đại

Nguyên lý in offset
In offset là phương pháp in phẳng, các thông tin hình ảnh được thể hiện trên bản in có tính quang hoá để tạo ra các phần tử in bắt mực và phần tử không in thì bắt nước. Ngoài ra hình ảnh trên khuôn in phải là hình ảnh thuận, tức là cùng phương với tờ in sẽ được in ra.
Cấu tạo máy in offset
Một máy in offset tờ rời gồm có các bộ phận chủ yếu như: một bộ phận cung cấp giấy, một hay nhiều đơn vị in, các thiết bị trung chuyển để đưa giấy qua máy in, một bộ phận ra giấy và các bộ phận bổ trợ thêm như bàn điểu khiển máy in.


 
Hệ thống trục trong máy in Offset

Thông thường một đơn vị in trong máy in offset tờ rời có ba trục chính cùng hệ thống làm ẩm và hệ thống chà mực lên khuôn in.
Ống bản: là một trục ống bằng kim loại, trên khuôn in phần tử in bắt mực còn phần tử không in bắt nước.
Ống cao su: là môt trục ống mang tấm cao su offset, có cấu tạo gồm một lớp vải bọc với cao su tổng hợp để truyền hình ảnh từ khuôn in lên bề mặt vật liệu in (giấy..).
Ống ép: là một trục khi quay luôn tiếp xúc với ống cao su, làm nhiệm vụ chuyển giấy và các vật liệu in khác.                                                                                                                  
Hệ thống làm ẩm: là hệ thống các lô làm ẩm bằng dung dịch làm ẩm có chứa các chất phụ gia như: axit, gôm arabic, cồn isopropyl hay các tác nhân làm ẩm khác.
Hệ thống cấp mực: là hệ thống các lô chà mực cho bản in. Các thành phần quan trọng khác. Ngoài các đơn vị in ra, Máy in offset một màu hay nhiều màu còn bao gồm các bộ phận sau:
Bộ phận nạp giấy: làm nhiệm vụ hút giấy và các vật liệu in khác từ bàn cung cấp giấy lên và đưa xuống đơn vị in đầu tiên. 
Các bộ phận trung chuyển (thông thường là các trục ống có nhíp kẹp giấy): có khả năng vận chuyển giấy đi qua máy in.
Bộ phận ra giấy: là bộ phận nhận giấy ra và vỗ giấy đều thành cây giấy trên bàn ra giấy.